0
Chưa có sách nào trong giỏ hàng

Review sách

Đâu là cách tốt nhất để giải quyết những vấn đề nghiêm trọng?

09.07.2020

“Tư duy đột phá” được biên soạn sau hơn 70 năm nghiên cứu chuyên sâu, đưa ra những nguyên lý, phương pháp tư duy để có thể giải quyết vấn đề hiệu quả trong thời đại mới.

Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự phát triển khó kiểm soát của trí tuệ nhân tạo, thậm chí là thách thức ngoại giao giữa các quốc gia… đều là những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt. Vậy đâu là cách tốt nhất để giải quyết những vấn đề này?

Tu duy dot pha anh 1

Ảnh: Getty Images.

Tư duy phân tích đã lỗi thời?

Trên khắp thế giới, con người, các công ty và tổ chức khác nhau đang đương đầu với những thách thức lớn hơn cần giải quyết.

Vào năm 2009, Liên hiệp các Hiệp hội Quốc tế (UIA) xuất bản phiên bản mới của quyển Bách khoa toàn thư về các vấn đề của thế giới và tiềm năng con người, trong đó chỉ ra 56.564 vấn đề cụ thể.

Dễ hiểu hơn, đối với các công ty và tổ chức, các vấn đề có thể là nhu cầu đổi mới các sản phẩm và dịch vụ, nhu cầu nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và lãng phí, giáo dục nhân viên, tuyển mộ nhân sự, hay tăng cường hiệu quả tiếp thị và bán hàng…

Thực tế, không chỉ có các công ty, tổ chức, mỗi ngày chúng ta đối mặt với hàng loạt vấn đề cá nhân khác nhau, chưa bao giờ xuất hiện hay trùng lặp.

Theo kết quả nghiên cứu của GS. Shozo Hibino, trong cuốn sách The Art Of Creating Living Solutions (tên tiếng Việt là Tư duy đột phá), 92% dân số sử dụng các kỹ thuật và tư duy đạt hiệu quả và năng suất kém.

Thật bất ngờ, nguyên nhân được GS. Shozo Hibino chỉ ra là phần lớn hệ thống giáo dục đã dạy chúng ta trở nên quen thuộc với phương pháp tư duy có tên là giản luận hóa, vốn có nguồn gốc từ xã hội châu Âu vào thế kỷ 17.

Giản luận hóa được khởi xướng bởi các nhà triết học, như một nỗ lực thay đổi lối tư duy cố gắng diễn dịch và kiểm soát niềm tin của các giáo lý và những giáo sĩ nhà thờ trong giai đoạn đó.

Tuy nhiên, với những vấn đề phức tạp ngày nay, tư duy phân tích đó tỏ ra “lỗi thời” trong việc giải quyết những vấn đề ngày một phức tạp và đầy biến động, nhưng lại liên kết chặt chẽ đến nhau của thế giới hiện đại.

Không những vậy, khi giải quyết một vấn đề này, những vấn đề khác lại tiếp tục phát sinh, thậm chí đôi lúc chúng nghiêm trọng hơn cả vấn đề trước đó.

Như việc phát minh ra phương tiện giao thông kéo theo vấn đề ô nhiễm môi trường, việc sáng tạo ra các kênh giải trí khiến con người trở nên dễ dàng mất tập trung…

Năm 1973, giáo sư Horst Rittel và Melvin Webber đã xuất bản một bài nghiên cứu về sự gia tăng của các vấn đề được gọi là “nguy hiểm”. Theo ông nhận định, có nhiều lý do khiến “giản luận hóa” không còn là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề trong thế giới hiện đại.

Một nhà khoa học khác cũng chứng minh, tư duy phân tích không phải là công cụ duy nhất để giúp chúng ta có thể giải quyết vấn đề.

Tu duy dot pha anh 2

Sách Tư duy đột phá do NXB Tổng hợp TP.HCM và First News phát hành.

Để giải quyết vấn đề, cần “tư duy đột phá”

Trong cuốn sách Tư duy đột phá, GS. Shozo Hibino, người đã dành phần lớn cuộc đời để nghiên cứu khẳng định chúng ta không thể chạy theo số đông, hay thậm chí “copy” cách giải quyết của vấn đề này sang một loạt những vấn đề khác, dù tưởng như chúng tương tự.

Ông cho rằng: “Thứ nhất, những con người liên quan trong tình huống luôn là khác nhau. Thứ hai, các mục đích cần phải đạt được cho mỗi trường hợp hầu như lúc nào cũng khác nhau, mặc dù tình huống có thể giống nhau.

Thứ ba, các công nghệ sẵn có và phù hợp cho giải pháp này có thể không phù hợp trong trường hợp khác. Cuối cùng, bất kỳ một vấn đề nào cũng liên quan đến một chuỗi các vấn đề đặc thù khác".

GS. Shozo Hibino nhận định thay vì cố gắng phân tích, "mổ xẻ” vấn đề thành những thành phần nhỏ, những nhà tư duy toàn diện sẽ xem xét vấn đề theo tính chất riêng biệt, độc đáo của chính nó - hay dễ hiểu hơn là xem xét vấn đề hoàn toàn mới ngay từ đầu.

Những nhà tư duy toàn diện cũng luôn tìm hiểu vấn đề ở một phạm vi rộng hơn, thu hút nhiều bên liên quan tham gia giải quyết, sử dụng trực giác, quan tâm đến khía cạnh con người, nhìn nhận giải pháp theo bối cảnh hệ thống và trong mối liên quan đến các hệ thống khác…

Lấy ví dụ tư duy đột phá, GS. Shozo Hibino chia sẻ: “Khi quan sát ngành ngân hàng - một trong những ngành kinh doanh truyền thống, có mức độ tiêu chuẩn hóa cao, rất nhiều người nghĩ rằng nghiệp vụ ngân hàng là thứ gì đó khó có thể thay đổi.

Nhưng nếu nhìn kỹ lại, ta thấy càng lúc càng có nhiều người sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử để chuyển tiền, thanh toán, mua sắm thay vì đi ra ngân hàng như trước đây.

Điều này ngụ ý rằng những giải pháp đang là tốt có thể chẳng tốt chút nào trong 5 năm kế tiếp và nhu cầu cấp thiết cho một sự tiến hóa (evolution) có thể bị thay thế bởi cuộc cách mạng (revolution) cho những tình huống của cá nhân hoặc tổ chức".

GS. Shozo Hibino cũng nhận định, phương pháp tư duy đột phá EBT (Extraordinary Breakthrough Thinking) cũng là cách để các vấn đề được giải quyết một cách hài hòa trong bối cảnh tổng thể.

EBT là một tập hợp quá trình để tiếp cận vấn đề, cũng như một tập hợp công cụ để tìm kiếm và hình thành nên những giải pháp thực sự sáng tạo, tồn tại dài lâu.

EBT giúp bạn tập trung vào “sáng tạo giải pháp” - một cách để tối ưu hiệu quả trong cả ngắn hạn lẫn trung hạn thay vì tập trung vào “giải quyết vấn đề”, vốn dễ liên tưởng đến hiện tại và quá khứ.

GS.TS Shozo Hibino là một trong hai nhà sáng lập phương pháp Tư duy Đột phá (Breakthrough Thinking). Từ những năm 1970, GS. Hibino và đội ngũ đã phát triển, phổ biến các triết lý, phương pháp tiếp cận, các công cụ thực hiện và xúc tiến áp dụng EBT tại các công ty, tổ chức Nhật Bản và toàn cầu.

TƯ DUY ĐỘT PHÁ

Thu gọnXem thêm

“Tư duy, một khi đã được mở ra và vươn đến những chiều kích rộng lớn hơn về ý tưởng, sẽ không bao giờ thụt lùi về giới hạn ban đầu”

Xem thêm

Review sách