0
Chưa có sách nào trong giỏ hàng

Những kẻ mất mát vĩ đại trên chuyến xe không người lái

21.11.2018

Sống là một hành trình, và giữa hành trình sống bộn bề đó, đôi lần người ta không ngăn nổi mong muốn được biến mất, được “bốc hơi” khỏi cuộc đời này, trốn tránh mọi áp lực và gánh nặng. Thế nhưng có một sự biến mất rất khác mà Ajahn Brahm miêu tả trong quyển sách Hạnh Phúc Đến Từ Sự Biến Mất (The Art of Disappearing).

Những kẻ mất mát vĩ đại trên chuyến xe không người lái

Ajahn Brahm ví cuộc đời là chuyến xe không người lái. Với tư cách là hành khách trên chuyến xe đó, điều chúng ta có thể làm là quan sát và hiểu được từng khung cảnh mình đi qua. Đừng than vãn hay gào lên giận dữ, bởi chuyến xe của bạn không có người lái nên chẳng có ai để bạn phàn nàn. Cũng đừng trốn chạy hay buông xuôi, vì như thế thì vòng lẩn quẩn sẽ lặp lại cho đến khi bạn học được bài học mình cần. Rừng mưa nhiệt đới sẽ ẩm ướt, hoang mạc sẽ khô nóng, đi qua Bắc cực thì nên mang theo áo ấm, còn thấy biển trước mắt thì nên hít một hơi thật sâu. Mỗi trải nghiệm đều khác biệt và đáng học hỏi, mỗi khung cảnh đều cần được thấu hiểu.

Để thấu hiểu, bạn cần lùi lại và quan sát. Bạn chỉ ngồi đó, trên chuyến xe cuộc đời và nhìn những điều đang diễn ra. Sau đó, bạn buông bỏ. Vì chuyến xe sẽ không dừng lại, nó sẽ chở bạn qua những khung cảnh khác, và để thấu hiểu những khung cảnh mới, bạn cần buông bỏ những gì đã qua. Bạn cần đánh mất mọi thứ và trở thành một trong những kẻ mất mát vĩ đại  – những người buông bỏ mọi thứ – trên chuyến xe không người lái đó.

Tâm định và Tuệ

Chấp nhận, thấu hiểu và buông bỏ chỉ là những bước đầu tiên trên hành trình “biến mất”. Nói theo lời của Ajahn Brahm, chúng ta cần đạt đến Tuệ nibbidā – sự giải thoát. Cố thay đổi sự vật, hiện tượng sẽ khiến ta càng bị ràng buộc, nhưng sự chấp nhận cũng giữ ta liên quan đến mọi sự trên đời. Phản ứng đúng là giải thoát – tức là để mặc cho sự việc diễn ra mà không bận tâm hay lo lắng về chúng. Để được như vậy, tâm chúng ta phải định.

Gió thổi lá cờ bay, vậy là gió động hay lá cờ động? Câu trả lời là tâm bạn động. Chừng nào tâm bạn chưa an định thì chừng đó bạn còn bị lôi kéo vào biểu hiện của sự vật, hiện tượng mà không hiểu được bản chất vấn đề. Nếu bạn sinh ra trong nước và sống cả đời trong nước, bạn sẽ không biết nước là như thế nào. Chỉ khi nòng nọc phát triển thành cóc và ra khỏi nước thì nó mới biết nước là gì. Chỉ khi sự vật biến mất thì bạn mới biết được bản chất của nó – bạn đạt được Tuệ, bạn giải thoát bản thân, giải thoát mọi sự, và bạn tự do thoát ly. Mà theo lời triết gia Jiddu Krishnamurti, tự do chính là khởi điểm.

Như vậy, sự biến mất mà Ajahn Brahm miêu tả hoàn toàn không phải là chối bỏ hay trốn tránh, mà ngược lại, đó là sự thấu hiểu, đón nhận, buông bỏ và thoát ly. Đó mới là sự biến mất đúng nghĩa – thoát khỏi mọi ràng buộc để đạt được hạnh phúc vĩnh hằng. 

Hạnh Phúc Đến Từ Sự Biến Mất không phải là quyển sách dạy bạn cách đạt được hạnh phúc. Trong quyển sách này, Ajahn Brahm sẽ lý giải để giúp bạn hiểu thêm về chánh niệm, hiểu tâm có hành trình riêng của nó, hiểu sức mạnh của Tuệ, và cuối cùng là mô tả cách làm thế nào để biến mất. 

Và hạnh phúc sẽ đến từ sự biến mất.

Khi bạn đọc quyển sách này, hãy thử cảm nhận hình ảnh những kẻ mất mát vĩ đại đang tận hưởng hạnh phúc đích thực trên chuyến xe không người lái. Đối với tôi, đó là một hình ảnh thật đẹp và bình yên.

Yên Du

 

 

 

Review sách