0
Chưa có sách nào trong giỏ hàng

[Review Sách] “Góc Nhìn Của Người Thông Thái”: Chiếc Bát Chứa Đựng Tư Duy

30.01.2020

Sẽ ra sao nếu loài người chúng ta cũng có khả năng phát ra ánh sáng như đom đóm? Khi đó quần chúng ta mặc sẽ phải may bằng chất liệu gì? Một số người đã phát ra rất nhiều ánh sáng. Bởi vì họ đã tự hấp thụ ánh sáng. Họ phát sáng.

Bản đồ không nói cho chúng ta biết về ảnh hưởng của thời tiết, công việc sửa đường, người bạn đồng hành khó chịu, hay những trò chơi được bọn trẻ bày ra trên xe. Còn với quyển sách nấu ăn, chúng ta không thể biết được sự thích thú khi một mình sáng tạo trong bếp vào lúc đêm muộn và thưởng thức món ăn do chính tay mình nấu không tuân theo bất kỳ một nguyên tắc nào. Cuốn sách Góc Nhìn Của Người Thông Thái bao gồm 32 mẩu chuyện xoay quanh cuộc đời của tác giả nhằm thay đổi cảm nhận của bạn về cuộc sống xung quanh mình.

“Fulghum đã tôn vinh những điều bình thường và khuyến khích độc giả tìm kiếm sự thiêng liêng ngay cả trong những thứ tưởng chừng trần trụi. Ông có góc nhìn sắc sảo và xúc cảm chân thành, đến nỗi ngay từ trang đầu tiên ta đã mau chóng nhận ra đây là một quyển sách thực sự đáng đọc.”

- Báo San Francisco Chronicle

“Dù thế nào đi nữa, hạnh phúc mộc mạc và sự tử tế đầy tính nhân văn trong tác phẩm của Robert Fulghum luôn xứng đáng được trân trọng, đặc biệt là trong thế giới đầy biến động ngày nay.”

- Tạp chí Library Journal

Câu chuyện về “Cô bé lọ lem”

Cô bé lọ lem - câu chuyện kinh điển về “sự đổi đời” sống mãi với thời gian. “Ở hiền gặp lành” là ý nghĩa của câu chuyện này - có một ngày chắc chắn bạn sẽ nhận được thứ mà bạn xứng đáng được nhận. Cô bé lọ lem ấy là một người kém may mắn. Mẹ cô bé qua đời, cha tục huyền với một người phụ nữ xấu xa có hai cô con gái riêng chỉ biết yêu bản thân mình. Cô bé lọ lem bị đày xuống làm kẻ hầu hạ, luôn bị ngược đãi, phải ngủ trên đống tro lò sưởi. Cô bé không thể làm gì khác hơn ngoài việc chấp nhận số phận.

Tất cả những gì cô bé lọ lem có thể làm là cầu may, dẫu rằng cô cũng chẳng mong đợi điều gì. Cô không dám chạy trốn. Cô không dám phá hỏng cuộc sống tăm tối của mình bằng một sự thay đổi tươi sáng hơn. Tất nhiên là không, sẽ không có một sự sắp đặt nào xảy ra. Cô bé lọ lem chỉ là một cô gái hiền lành. Sự yếu đuối bao lấy cô. Cô vĩnh viễn chỉ thụ động chờ đợi một điều gì đó đến với mình.

Không vì lý do cụ thể nào, một bà tiên nhân hậu đã xuất hiện đưa cô đến buổi khiêu vũ của nhà vua. Cô bé lọ lem chỉ đơn giản ngồi ở nhà và chờ đợi. Chưa bao giờ cô nói một lời nào về nơi cô ấy từng ở hay những điều cô ấy biết. Cô ấy chỉ biết chờ và chờ mà thôi. “Rồi những điều tốt đẹp cũng sẽ tới” đã trở thành câu cửa miệng của cô bé lọ lem. Và cô lại tiếp tục “há miệng chờ sung”. Cho đến khi hoàng tử xuất hiện: anh ta và chiếc giày thần kỳ. Anh ta thậm chí không thèm nhìn vào ngôi nhà nơi hai cô gái xấu xí và một cô gái lem luốc đang ngồi kia mà cứ thế tiến lên. Vẻ đẹp hình thể, tính cách hay sự sạch sẽ đều không phải là thứ mà anh ta quan tâm. Cái anh ta cần chính là bàn chân xỏ vừa chiếc giày. Cô bé lọ lem cũng chẳng quan tâm điều gì cả. Chỉ cần đó là điều hoàng tử muốn. Cô sẽ cứ thế làm theo.

“Và họ đã sống hạnh phúc bên nhau suốt đời”. Phiên bản cô gái lọ lem thụ động, không bảo vệ được mình chính là một liều thuốc độc. Ngay cả ông trời cũng chỉ sẵn sàng giúp đỡ những người tự cứu lấy mình. Và tất cả những ai đã giúp đỡ người khác chính là hình ảnh của bà tiên đỡ đầu. 

Để nhấn mạnh rằng mỗi người đều có một vị trí nhất định và hãy cố gắng để đạt được vị trí đó. Để truyền sự tự tin giúp người khác đạt được mục tiêu của mình. Làm được điều trên là chúng ta đã biến những câu chuyện cổ tích thành hiện thực.

Đón chào năm mới

Trong suốt năm năm liên tục, ông cùng hai đứa con trai luôn có mặt trong dòng người để vào công viên giải trí địa phương được mở cửa vào mùa xuân. Họ chơi tất cả các trò chơi cảm giác mạnh như xe đụng, đu quay, tàu lượn siêu tốc. Ăn kẹo bông gòn, xúc xích nướng, kem ốc quế, bắp xào. Quan điểm của tác giả đó là đằng nào thì cũng đổ bệnh, hãy cứ chơi hết mình rồi ốm một trận cho ra trò. Đó chính là triết lý của cuộc sống, đã làm thì phải làm cho ra trò, và sẵn sàng chấp nhận hậu quả. 

Với tác giả mọi việc bây giờ thật đơn giản vì công viên giải trí nằm ngay trên đường đi làm và ông vẫn thường xuyên đứng lại và quan sát. Tại sao con người ta sẵn sàng trả tiền để chuốc nỗi sợ hãi địa ngục trần gian vào mình, và còn chơi đi chơi lại trò đó nhiều lần nữa. Tại sao cha con ông năm nào cũng đến công viên giải trí vào mùa xuân? 

Một phần câu trả lời nằm ở sở thích muốn làm điều mạo hiểm, sự hoang dã, phiêu lưu. Chúng ta muốn thoát ra khỏi lực hút của trái đất nhưng phải thật an toàn. Kích thích sự phóng thích adrenaline khiến tim đập nhanh, mạnh, làm tăng huyết áp tối đa, cảm giác y như người ta vừa thoát chết trong gang tấc. Sợ hãi và được giải thoát là tất cả những gì người chơi muốn trải nghiệm qua những trò chơi mang tính mạo hiểm. Chúng ta không có chủ ý suy nghĩ theo hướng này, nhưng đó là những gì chúng ta không chỉ muốn mà còn cần nó xảy ra.

Mùa xuân là mùa vạn vật căng tràn nhựa sống.

Bạn có bao giờ cảm thấy phấn khích tột độ khi ngồi trên chiếc vòng đu quay? Những chiếc ghế đu đưa một cách tự do trong tiếng nhạc xập xình và chúng ta thì hét thật to khi lao vút trong không trung. Bầu trời trong xanh, ánh sáng chiếu nắng, cây cối xanh tươi căng tràn sức sống, và chúng ta cũng vậy.

Tại thời khắc đó, chúng ta chính là mùa xuân.

Cũng giống như cách thổ dân da đỏ nghĩ về việc nhảy múa khi trời đang mưa. Họ không chỉ nhảy múa với mưa, mà họ cũng đang mưa. Khi chúng ta quan sát mùa xuân, chúng ta chính là mùa xuân. Các nhà nhân loại học gọi đó là “sự tham gia của năng lượng cá nhân”. Người da đỏ gọi đó là cách sống.

“Thế à”

Từ “Thế à” không có trong các từ điển thông dụng cũng như chuyên ngành, và rất hiếm khi hiện diện trong văn viết. Tuy nhiên, những âm tiết này lại được chúng ta sử dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, cho đến tận khi xuôi tay nhắm mắt.

Xuyên suốt lịch sử tiến hóa của loài người, có hàng triệu, hàng triệu âm tiết đã xuất hiện rồi biến mất trong khi chúng ta vẫn không ngừng có được những cách thức để giao tiếp với nhau. Thông thường, những âm tiết dùng để biểu cảm không được xem là một từ có nghĩa, mà chỉ là những âm thanh ngắn đại diện cho những suy nghĩ phức tạp. Đó là những tiếng càu nhàu, tiếng than vãn, tiếng khịt mũi tỏ ý chê bai, tiếng tặc lưỡi, tiếng huýt sáo kết hợp với những biểu hiện phức tạp trên gương mặt hay ngôn ngữ hình thể: Ừ, à, ừm, hừ, hey, oh, ok… những âm tiết này thường vô nghĩa và xét về mặt chính tả thì không thể ký âm trên giấy. 

Chúng ta ngày một nhiều tuổi, kiến thức và kinh nghiệm cũng ngày một phong phú hơn, và chúng ta sẽ ngày càng hiểu được đâu chỉ là những khó khăn nhất thời trong muôn vàn khó khăn ở đời. Nếu bạn bị đau ngực, có lẽ bạn sẽ nghĩ ngay đến việc đi cấp cứu với tâm trạng lo sợ “Trời ơi! Mình đang lên cơn đau tim!”. Nhưng cũng triệu chứng ấy, bác sĩ của bạn chỉ “ừ, à” cho qua, bà ấy có thể nghĩ do bị đầy hơi, nên chỉ cần uống một viên thuốc giảm nồng độ axit trong dạ dày rồi lại tiếp tục công việc của mình.

Chúng ta nói “Thế à” với một đứa bé khi nó ngã, bị cụng đầu hay kẹp tay. Điều đó có nghĩa là chúng ta biết đứa trẻ có bị đau, nhưng nỗi đau này sẽ nhanh chóng qua đi, đứa trẻ có nguồn an ủi để chịu đau, có thể tiếp tục đứng lên và bước tiếp. Về phía đứa trẻ, nó có thể hiểu rằng tiếng “Thế à” của cha mẹ đồng nghĩa với việc nó không nhất thiết phải chạy ngay đến chỗ cha mẹ mỗi khi bị đau để nhận được những cái hôn xoa dịu, và cần phải biết tự mình đi lấy bông băng khi cần thiết. “Thế à” có thể được coi là bước đầu tiên trong việc tách dần đứa trẻ ra khỏi cha mẹ để nó trở nên độc lập hơn.

Nhưng tình yêu có lý lẽ riêng của nó, khiến cho mọi kế hoạch hay toan tính đều thất bại. Không một ai khi vướng vào thứ tình yêu kiểu này có thể kết thúc cuộc tình của mình một cách êm đẹp. Đến khi khóa học kết thúc, các bạn không bao giờ có thể đến bên nhau, lịch sự nói lời cảm ơn về cuộc tình chóng vánh cả hai dành cho nhau và giao kèo tiếp với nhau về một thỏa thuận khác. Bất cứ ai cũng đều có những giây phút rạo rực, cháy bỏng. Và bất cứ ai rồi cũng sẽ thay đổi.

Ba bức ảnh đặc biệt

Ngay phía trên công tắc đèn cạnh cửa ra vào phòng làm việc của tác giả, là ba bức hình gắn chồng lên nhau. Đầu tiên là một bức hình màu khổ nhỏ chụp một người đàn ông trung niên đang thực hiện một vài thao tác của nghề mộc. Qua vẻ mặt và cách ông ấy cầm búa có thể nhận thấy rõ ràng rằng ông không chỉ biết rõ công việc mình đang làm, mà còn rất hăng say từng động tác. Bức hình thứ hai là một bức hình đen trắng được cắt ra từ một tờ báo, chụp một người đàn ông đứng tuổi mặc chiếc áo kaki ngắn tay bết mồ hôi. Ông ta đang nở một nụ cười rạng rỡ. Bức hình thứ ba chụp một người đàn ông trong trang phục áo sơ mi trắng thắt cà vạt. Ông không cười. Ông đến Trung Đông lần này trong vai trò trung gian hòa giải giữa các phe đối đầu. Ông nhân danh cho hòa bình và sự công bằng, vì sự tiến bộ của loài người.

Ba bức hình trên chụp cùng một người đàn ông. Ông đích thực làm trong ngành xây dựng, đã dành thời gian cả cuộc đời mình xây nhà cho người nghèo, xây dựng một môi trường để những cuộc bầu cử dân chủ, tự do có thể diễn ra, và xây dựng một nền hòa bình cho một trong những đấu trường cổ xưa nhất và khắc nghiệt nhất trong lịch sử xung đột của loài người.

Ông ấy chính là Jimmy Carter. Từng là một nông dân trồng đậu phộng ở Georgia. Có một công việc trong bộ máy chính phủ. Hiện tại là thợ mộc. Và là một thầy giáo. Ông có thể không nằm trong danh sách những vị tổng thống xuất sắc nhất, nhưng không thể phủ nhận rằng ông là một cựu tổng thống được kính trọng nhất trong thế kỷ này, và có thể là mãi mãi.

Hiện tại ông có lý do chính đáng để lùi lại phía sau, dành toàn bộ quãng đời còn lại của mình để đọc lại những bài báo của mình, câu cá, đánh gôn. Những người khác ở cương vị như ông chắc sẽ không làm được nhiều như ông. Thất bại và trở thành kẻ thua cuộc là hai khái niệm cần phải phân định rạch ròi. Bên cạnh đó ông vẫn còn rất nhiều việc để làm. Ông nhận nhiệm vụ cho chính ông, chứ không phải cho bất kỳ một văn phòng hay tổ chức nào. Ông đã chứng tỏ rằng việc tốt mà con người có thể làm được không có giới hạn nếu họ không quan tâm đến việc được công nhận khen thưởng.

Ông ấy không phải tuýp người giành được cả thế giới nhưng đánh mất bản thân mình. Ông là một tấm gương sáng mãi trong tôi. Tôi rất biết ơn người đàn ông đó…

Lời kết

Sẽ ra sao nếu loài người chúng ta cũng có khả năng phát ra ánh sáng như đom đóm? Khi đó quần chúng ta mặc sẽ phải may bằng chất liệu gì? Một số người đã phát ra rất nhiều ánh sáng. Bởi vì họ đã tự hấp thụ ánh sáng. Họ phát sáng. Đó không phải thứ ánh sáng bạn có thể nhìn bằng mắt thường, quang phổ của ánh sáng có nhiều phần chúng ta không thể nhìn thấy. Nhưng chúng ta có thể cảm nhận được sự tồn tại của nó bằng nhiều cách khác nhau.

Tác giả: Hồng Dịu - Bookademy 

Review sách